Ngày 03/07/2017, Thông tư số 53/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chính thức có hiệu lực. Thông tư áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nội dung chính của Thông tư quy định các điều kiện phải đáp ứng khi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đi vào hoạt động. Theo đó quy định đầu tiên và đặc biệt quan trọng đó là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải thực hiện công bố công khai việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ về vốn, quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ,quy chế hoạt động của sàn giao dịch nợ tại trụ sở chính và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Quy định này nhằm cụ thể hóa nguyên tắc kinh doanh mua bán nợ quy định tại Điều 4 Nghị định 69/2016/NĐ-CP đó là “Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy định của pháp luật.”
Đối với điều kiện về vốn, Thông tư số 53/2017/TT-BTC tại mọi thời điểm hoạt động, vốn điều lệ/vốn đầu tư thực góp hạch toán trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải lớn hơn hoặc bằng mức vốn tối thiểu quy định tại Nghị định 69/2016 (5 tỷ đồng, 100 tỷ đồng hoặc 500 tỷ đồng tùy vào loại hình dịch vụ kinh doanh). Quy định này nhàm hạn chế tình trạng “vốn ảo” đang rất phổ biến trong giới doanh nghiệp hiện nay thông qua việc đáp ứng điều kiện về “vốn đầu tư thực góp hạch toán trên bảng cân đối kế toán” của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
Ngoài việc phân tích, làm rõ các quy định tại Nghị định 69/2016, Thông tư 53/2017/TT-BTC cũng bổ sung thêm các điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch mua bán nợ. Cụ thể là, trước thời điểm kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, doanh nghiệp phải có: Báo cáo tài chính được kiểm toán chứng minh đã kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. ít nhất 1 năm tính đến thời điểm bắt đầu kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ và doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ của năm liền kề trước năm thực hiện kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch đạt ít nhất 500 tỷ đồng. Bản chính thuyết minh về cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ để tiếp nhận,cập nhật, cung cấp thông tin về hoạt động mua bán nợ giữa các thành viên tham gia sàn giao dịch; hệ thống phần mềm quản lý, giám sát các giao dịch, trong đó bao gồm cả việc cung cấp, lưu trữ thông tin …
Đối với chế độ báo cáo,doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ cũng phải tuân thủ các quy định “khắt khe” như việc trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính và trong trường hợp đột xuất, Doanh nghiệp mua bán nợ có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tình hình kinh doanh và chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Khi Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 03/07/2017 thì đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thành lập và hoạt động kinh doanh trước ngày Nghị định số 69/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì chậm nhất vào ngày 01/7/2017, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, hoàn thiện các tài liệu chứng minh và công bố công khai việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại trụ sở chính và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Trước ngày 01/7/2017, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh về việc đáp ứng hoặc không đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Trong trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mua bán nợ và phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh.